Màu sắc nước tiểu nói lên điều gì ?
18/03/2016
Các Bác sĩ Bệnh viện Green xử lí lấy dị vật trong mũi ở trẻ em
24/03/2016
Hiện tất cả

Dị ứng đạm sữa bò, mẹ chớ xem thường

Dị ứng đạm sữa bò là một biểu hiện bệnh ở các bé nhỏ đang được rất nhiều mẹ quan tâm. Ước tính có khoảng 2,1% bé dưới 3 tuổi được chẩn đoán dị ứng, số bé dưới 3 tuổi nghi ngờ mắc dị ứng là 12,6 %. Dị ứng đạm sữa bò nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng mức sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của bé.

1/ Nguyên nhân của dị ứng đạm sữa bò:

– Nguồn gốc của dị ứng đạm sữa bò là do hệ miễn dịch của bé nhận diện sai đạm trong sữa bò là một chất có hại và cố gắng bảo vệ cơ thể bằng cách “đánh lại” các chất đạm này, gây ra tình trạng dị ứng và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của bé.

– Bé bị dị ứng đạm sữa bò có thể có một số biểu hiện lâm sàng như nôn, tiêu chảy, phân màu, phát ban, viêm da, chàm, khò khè, sốc phản vệ… Các biểu hiện có thể xuất hiện ngay sau khi uống sữa bò từ vài phút tới 2 giờ hoặc cũng có thể xuất hiện chậm sau khi uống sữa bò 48 giờ tới 1 tuần lễ.

2/ Triệu chứng của dị ứng sữa bò nói chung thường thuộc 1 trong 2 kiểu phản ứng nhanh hoặc chậm:

– Kiểu phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra đột ngột ở bé ngay sau khi uống sữa với các biểu hiện như ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù. Nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân.

– Biểu hiện của phản ứng dị ứng chậm thường nhẹ hơn hoặc không rõ ràng như bé bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, ói mửa, đau bụng, đi cầu phân lỏng (có thể dính ít máu), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường. Những triệu chứng này thường khó chẩn đoán vì rất giống với biểu hiện của nhiều bệnh lý khác.

– Cần phân biệt triệu chứng dị ứng sữa bò với sự bất dung nạp đường Lactose (1 dạng đường có trong sữa bò). Khi đó bé thường bị chướng bụng, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy do không tiêu hóa được đường Lactose trong sữa.

3/ Chăm sóc bé bị dị ứng đạm sữa bò:

– Nếu bé bị dị ứng thuộc kiểu phản ứng nhanh, cần chuyển sang dùng sữa đậu nành hoặc các loại sữa bò đã thuỷ phân. Nếu không có hiệu quả thì tiếp tục chuyển sang những loại thực phẩm có thành phần đạm ít gây phản ứng dị ứng như sữa gạo, sữa hạnh nhân và những sản phẩm ghi nhãn là Non-dairy hay Pareve. Thời gian sử dụng các sản phẩm thay thế kéo dài từ 2 đến 12 tháng, sau đó cho bé dùng lại sữa bò để kiểm tra sự dung nạp xem bé đã hết dị ứng hay chưa. Nếu vẫn còn dị ứng thì tiếp tục dùng lại sản phẩm thay thế và cứ 3-6 tháng lại kiểm tra một lần.

– Trong trường hợp bé có các phản ứng dị ứng chậm thì rất khó nhận biết do dễ bị lầm với các triệu chứng bệnh khác. Điều này đòi hỏi mẹ phải theo dõi kỹ, nếu thấy những biểu hiện dị ứng đạm sữa bò dạng phản ứng chậm thì cần đưa bé đi thăm khám và xét nghiệm để biết chính xác liệu bé có bị dị ứng đạm sữa bò hay không. Từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bé và có hướng chăm sóc con phù hợp hơn.

– Ngoài ra, nếu bé bị dị ứng đạm sữa bò thì có thể chuyển sang bú mẹ nếu bé còn nhỏ và mẹ còn sữa, tuy nhiên chế độ ăn của mẹ cần loại bỏ những thực phẩm chứa sữa, do các protein trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ.

– Đặc biệt với những bé trên 12 tháng tuổi vẫn còn dị ứng đạm sữa bò thì mẹ cần phải đảm bảo chế độ ăn cung cấp đủ chất dinh dưỡng, năng lượng, khoáng chất và các yếu tố vi lượng, vitamin để đảm bảo sự phát triển thể chất, tinh thần bình thường cho bé. Việc đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé trong quá trình kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa không phải là chuyện đơn giản, vì thế bố mẹ nên đưa bé đi thăm khám dinh dưỡng thường xuyên định kỳ để được tư vấn chính xác từ bác sĩ, đảm bảo có được giải pháp đúng nhất khi bé gặp các vấn đề về tiêu hóa hoặc dinh dưỡng.

Sưu tầm IT

Gửi bình luận

Bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *