Nhiễm trùng sơ sinh nguy hiểm như thế nào?
21/08/2024
Những thành phần dưỡng da mẹ bầu cần tránh
31/08/2024
Nhiễm trùng sơ sinh nguy hiểm như thế nào?
21/08/2024
Những thành phần dưỡng da mẹ bầu cần tránh
31/08/2024

Sự thay đổi của làn da là một trong những nỗi lo lắng của các mẹ bầu khi mang thai và sau sinh, nguyên nhân chính được cho là do nội tiết tố. Một số phụ nữ may mắn vẫn giữ được làn da hoàn hảo qua 9 tháng mang thai, nhưng hầu hết đều có ít nhất một vấn đề về da hoặc da xấu đi vào một thời điểm nào đó.

Một số vấn đề mà các mẹ có thể gặp phải ở giai đoạn này, bao gồm:

Dễ bị nổi mụn

Bạn vẫn có nguy cơ bị mụn dù sở hữu một làn da trắng mịn. Nguyên nhân có thể là do lượng hormone thay đổi trong quá trình thai kỳ làm mụn bắt đầu xuất hiện. Để hạn chế tình trạng này, bạn hãy rửa mặt mỗi ngày và tránh dùng tay nặn mụn để tránh để lại sẹo trên da. Hiện nay, bạn có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm điều trị mụn ở bất cứ nhà thuốc nào. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận khi chọn lựa, tốt nhất là phải trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng các sản phẩm trị mụn trong thời kỳ mang thai.

Da khô, mỏng hơn

Lượng hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột chính là nguyên nhân của sự mất cân bằng nội tiết tố. Điều này khiến chị em sau sinh có làn da khô và mỏng hơn. Lúc này, sức đề kháng da của các mẹ cũng yếu đi rất nhiều nên rất dễ bị tổn thương khi bị tác động từ môi trường, đặc biệt là ánh nắng mặt trời

Da xuất hiện các vết rạn

Một vấn đề không thể thiếu khi mang thai đối với các mẹ bầu là những vết rạn trên da. Khi thai nhi lớn dần trong bụng mẹ, bạn sẽ thấy những vết rạn tím đỏ trên bụng, đùi, ngực, mông hoặc thậm chí là trên tay. Những vết rạn này xuất hiện khi da bị kéo căng và lượng hormone trong cơ thể thay đổi. Có đến 90% phụ nữ xuất hiện các vết rạn ở tháng thứ ba của thai kỳ.

Bạn có thể dùng kem bôi da giúp giảm ngứa và hạn chế tình trạng rạn da. Các vết rạn này sẽ mờ dần theo thời gian sau khi sinh xong.

Xuất hiện nám và tàn nhang

Đôi khi, trong thời kỳ mang thai, mặt bạn có thể sẽ xuất hiện các vết nám, tàn nhang. Sự thay đổi sắc tố này xảy ra do lượng hormone thai kỳ trong cơ thể tăng cao. Các hormone này sẽ giảm dần sau khi mang thai. Khoảng 70% phụ nữ bị nám khi mang thai ở trên má, mũi và trán. Vì thế, bạn cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều vì ánh nắng sẽ làm các vết nám trở nên nặng hơn. Và hãy nhớ sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và đội mũ khi ra ngoài. Trong vài trường hợp, bạn sẽ bị nám da vĩnh viễn, còn lại thì các vết nám sẽ mờ hơn sau khi bạn sinh xong.

Da chảy xệ, nhiều nếp nhăn

Da chảy xệ, nhiều nếp nhăn là vấn đề gặp ở hầu hết phụ nữ sau sinh. Sự thay đổi đột ngột của hormone khiến các cơ nâng đỡ da mặt hoạt động yếu đi, lỗ chân lông cũng giãn rộng và to hơn. Một số chị em có cơ địa yếu còn có kết cấu da lỏng lẻo khiến các nếp cơ xô vào nhau, từ đó hình thành nhiều nếp nhăn trên mặt. Khi mới xuất hiện, những nếp nhăn này chủ yếu ở khóe mắt, vòm miệng nhưng sau một thời gian chúng có thể lan sang cả những vùng da khác như cổ, mặt, trán… khiến chị em trông già đi,

Những người mắc các bệnh da từ trước như chàm, vẩy nến hoặc bệnh trứng cá đỏ cũng có thể bị thay đổi các triệu chứng (tốt hơn hoặc xấu hơn).

Để khắc phục những khuyết điểm trên và trả lại một làn da mịn màng, các mẹ nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Mẹ có thể đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Quốc tế Green để được tư vấn liệu trình chăm sóc da phù hợp.

Gửi bình luận

Bình luận

Comments are closed.