MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG NHIỆT KẾ HỒNG NGOẠI TRONG THỜI TIẾT GIÁ LẠNH

LỢI ÍCH CỦA “DA KỀ DA” MẸ VỚI CON NGAY SAU SINH
02/11/2021
Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trong trận chiến Covid-19
27/02/2022
LỢI ÍCH CỦA “DA KỀ DA” MẸ VỚI CON NGAY SAU SINH
02/11/2021
Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trong trận chiến Covid-19
27/02/2022
Hiện tất cả

MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG NHIỆT KẾ HỒNG NGOẠI TRONG THỜI TIẾT GIÁ LẠNH

Mới đây, Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Green tiếp nhận một trường hợp trẻ nam hơn 3 tuổi vào viện vì co giật toàn thân. Trẻ xuất hiện sốt ở nhà, và bố mẹ có dùng nhiệt kế hồng ngoại đo vùng trán của trẻ nhưng chỉ thấy 37,5 độ C. Tuy nhiên, trẻ có dấu hiệu rét run, chân tay lạnh, gia đình nghĩ cháu đang bị lạnh nên mặc thêm quần áo cho trẻ. Khoảng 10 phút sau, trẻ lờ đờ, mắt trợn ngược, giật toàn thân; gia đình tá hoả đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Quốc tế Green. Tại đây, trẻ vẫn tiếp tục co giật, nhiệt độ 40 độ C. Trẻ nhanh chóng được xử trí cấp cứu hạ sốt chống co giật. Sau khoảng 5 phút trẻ hết giật, tỉnh trở lại. Trẻ tiếp tục được theo dõi điều trị nội trú để tìm nguyên nhân gây sốt cao dẫn đến co giật.

Trẻ đang được cấp cứu tình trạng co giật do sốt

Co giật do sốt thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi và thường gây hoảng loạn cho bố mẹ và gia đình. Nguyên nhân là do hệ thần của trẻ ở độ tuổi này chưa ổn định; khi nhiệt độ cơ thể quá cao sẽ đả kích vào hệ thần kinh gây co giật. Vì vậy, khi phát hiện sốt cao và xử trí sốt kịp thời trẻ sẽ không co giật (tôi sẽ có bài hướng dẫn trẻ sốt cao và co giật do sốt)

Một số lưu ý khi dùng nhiệt kế hồng ngoại để phát hiện sốt ở trẻ

Nhiệt kế hồng ngoại là nhiệt kế ứng dụng công nghệ cảm ứng bức xạ hồng ngoại, rất thuận tiện khi theo dõi nhiệt độ cho trẻ vì cho kết quả nhanh chóng. Hiện nay có 3 loại nhiệt kế hồng ngoại chính: (1) loại để đo ở trán; (2) loại để đo ở tai; (3) loại đo không tiếp xúc có thể đo cả ở trán và ở tai. Vì vậy, bố mẹ cần tìm hiểu loại gia đình đang sử dụng là loại nào để dùng đúng cách. Để nhiệt kế hồng ngoại cho kết quả tin cậy, các bố mẹ nên chú ý một số điểm sau:

–  Khi trời lạnh sâu, nhiệt độ vùng da hở như trán sẽ lạnh theo;  do vậy, đo vùng trán có thể cho kết quả không chính xác. Bố mẹ nên đo cả vùng trán và vùng thái dương để có kết quả tin cậy hơn. Bố mẹ cũng nên sờ trực tiếp vùng trán, vùng cổ để xem trẻ có nóng hơn bình thường không? Nếu nghi ngờ kết quả nhiệt độ, hãy đo lại bằng nhiệt kế thuỷ ngân. (trong ảnh là một trường hợp đo ở trán chỉ hơn 37 độ C nhưng khi đo ở thái dương thì gần 40 độ C, nhiệt độ môi trường là 14 độ C)

– Vùng cần đo (trán, tai, thái dương) cần lau khô sạch sẽ, không để tia hồng ngoại chiếu vào mắt trẻ.

– Không để nhiệt kế quá xa vùng cần đo, khoảng cách 1-2 cm là tối ưu; nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng sản phẩm.

– Giữa các lần đo không sát nhau nhau quá, nên đợi ít nhất 1 phút.

– Bảo quản nhiệt kế hồng ngoại nơi khô ráo, tránh xa tầm tay trẻ em, và luôn đảm bảo pin của nhiệt kế hồng ngoại đầy.

(Tác giả: PGS. TS. Vũ Văn Quang – Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Green)

Gửi bình luận

Bình luận

Comments are closed.