Thai sản trọn gói – đồng hành cùng mẹ từ những ngày đầu
26/07/2021Trẻ sơ sinh 10 ngày chưa rụng rốn có sao không?
04/08/2021Bài viết của PGS.TS.BS Vũ Văn Quang – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Green
Trong khoảng 35 hệ thống nhóm máu đã được xuất hiện ở người, hệ nhóm máu ABO và Rh là phổ biến và quan trọng nhất. Trong khi bất đồng nhóm máu ABO chỉ gây tan máu sau sinh, bất đồng nhóm máu hệ Rh có thể gây tan máu ngay trong thời kỳ bào thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Vậy bất đồng nhóm máu Rh là gì?
Hệ Rhesus (Rh) có tới 50 kháng nguyên khác nhau nhưng quan trọng nhất là kháng nguyên D. Do đó, việc xác định nhóm máu Rh của một người được quy ước phục thuộc vào có hay không kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Nếu một người có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu thì được phân loại là Rh(+); nếu không có kháng nguyên D được phân loại là Rh(-).
Đa số người Việt Nam mang nhóm Rh(+); chỉ dưới 1% dân số Việt Nam mang Rh(-), vì vậy được coi là nhóm máu hiếm. Bình thường, người mang nhóm máu Rh(-) không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tuy nhiên, trong trường hợp phải truyền máu hay phụ nữ mang thai thì cần được chú ý đặc biệt:
– Trong truyền máu: một người mang nhóm Rh(-) thì chỉ có thể nhận máu của người Rh(-); người mang Rh(+) thì có thể nhận máu từ người Rh(-) và Rh(+) đều được.
Trong trường hợp người Rh(-) lần đầu nhận máu từ người Rh(+) có thể chưa xảy ra tai biến truyền máu tức thì. Thường sau 2 tuần truyền máu, cơ thể sinh ra kháng thể kháng D. Sau vài tháng thì kháng thể kháng D đạt mức tối đa. Lúc này, nếu tiếp tục truyền máu lần 2 từ người Rh(+) cho người Rh(-) có thể sẽ xảy ra tai biến nguy hiểm tính mạng.
– Khoảng dưới 1% phụ nữ Việt Nam mang Rh(-). Nghĩa là cứ một người phụ nữ mang Rh(-) có tới 99% cơ hội kết hôn với người đàn ông mang Rh(+) và khả năng con của họ mang Rh(+) là rất cao. Vì vậy, mẹ bầu Rh(-) cần phải được tư vấn đặc biệt của bác sĩ.
Tại sao bà mẹ mang Rh(-) con mang Rh(+) lại nguy hiểm?
Thực ra mẹ bầu Rh(+) sinh đứa con đầu tiên thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trong quá trình đẻ, sẽ có một lượng máu nhất định của đứa con mang Rh(+) được truyền sang người mẹ qua rau thai. Những hồng cầu của đứa con mang kháng nguyên D trên bề mặt sẽ kích thích cơ thể người mẹ sản xuất ra kháng thể kháng D có bản chất IgG và qua được rau thai dễ dàng. Trong những lần mang thai tiếp theo khi đứa con mang Rh(+), kháng thể kháng D của bà mẹ qua được rau thai và gây phá huỷ hồng cầu thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Hậu quả là có thể gây phù thai nhi, suy tim, thai chết lưu, lắng đọng bilirubin trong não gây vàng da nhân ngay trong bào thai. Nguy cơ phù thai nhi tăng từ 10% khi hiệu giá Coombs gián tiếp của mẹ là 1:16 lên 75% khi hiệu giá của mẹ là 1:128. Những trẻ may mắn sống sót thì cũng có nguy cơ thiếu máu nặng và di chứng não nặng nề.
Phụ nữ có Rh(-) khi mang thai cần chú ý điều gì?
Đừng quá lo lắng! Miễn là bạn không chủ quan. Hiện nay, dưới sự tư vấn hướng dẫn của các bác sĩ cùng các thành tựu của y học, nhiều bà mẹ Rh(-) vẫn có thể sinh con một cách an toàn, thậm chí nhiều lần. Bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết cho bà mẹ và sẽ có những can thiệp phù hợp đảm bảo cho mẹ tròn con vuông. Hiện nay chỉ có duy nhất bất đồng kháng nguyên Rh(D) là có thuốc phòng. Truyền kháng thể kháng D cho mẹ bầu vào tuần thứ 28 thai kỳ và trong vòng 72 giờ sau sinh đã giảm thiểu nguy cơ tan máu bào thai từ 13-16% xuống còn khoảng 0,2%.
Nguồn:
- Hemolytic Disease of the Newborn. Case studies in Immunology-A clinical companition.
- Color Atlas of Immunology
- Rh incompatibility. BMJ Best Practice.