Rụng tóc ở trẻ sơ sinh – Mách mẹ nguyên nhân và cách xử lý
04/06/2021
Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ nhân viên Bệnh viện
19/06/2021
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh – Mách mẹ nguyên nhân và cách xử lý
04/06/2021
Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ nhân viên Bệnh viện
19/06/2021
Hiện tất cả

Bé bị hăm tã và những điều bố mẹ cần lưu ý

Hăm tã là gì?

Hăm tã (hay còn gọi là viêm da tã lót) là một dạng viêm da tại vùng quấn tã cho trẻ. Đây là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi dùng tã/ bỉm, hay gặp nhất ở độ tuổi dưới 6 tháng tuổi. Hăm tã biểu hiện bằng các vùng da đỏ, mềm, hoặc nổi mụn ở vùng quấn tã: mông, đùi và bộ phận sinh dục.

Bên cạnh những dấu hiệu ngoài da, cha mẹ sẽ thấy con mình có vẻ khó chịu hơn bình thường, đặc biệt là trong khi thay tã/ bỉm cho con. Em bé bị hăm tã thường quấy khóc khi người lớn rửa, hoặc chạm vào vùng quấn tã.

Nguyên nhân gây hăm tã

  • Kích ứng từ phân và nước tiểu: Da của em bé có thể bị kích ứng khi để tã quá lâu. Tiếp xúc lâu với nước tiểu hoặc phân có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé. Em bé sẽ dễ bị hăm tã hơn nếu bé đi nặng thường xuyên hoặc khi bị tiêu chảy vì phân dễ gây kích thích hơn nước tiểu.
  • Bị cọ xát: Tã/ bỉm hoặc quần áo chật cọ xát vào da của bé có thể gây ra hăm tã.
  • Dị ứng: Da của bé có thể phản ứng với khăn lau trẻ em, một loại bỉm mới hoặc chất tẩy rửa: bột giặt/ nước giặt hoặc chất làm mềm vải được sử dụng để giặt tã vải. Một số chất khác có thành phần có thể gây dị ứng cho trẻ emcũng từng được tìm thấy trong một số loại kem dưỡng da, dầu tắm gội dành cho trẻ em.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm: Nước tiểu làm thay đổi nồng độ pH của da và tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển dễ dàng hơn. Các chất bài tiết cũng ngăn cản sự lưu thông không khí, tạo ra môi trường ẩm ướt, nơi vi khuẩn và nấm có thể phát triển mạnh, gây viêm da. Hăm tã thường có thể do một loại nấm men gọi là Candida albicans gây ra. Đặc điểm nhận dạng là vùng da bị hăm thường có màu đỏ, hơi nổi lên và có các chấm đỏ nhỏ lan rộng ra ngoài. Nó thường bắt đầu ở các nếp nhăn trên da và bắt đầu lan ra các vùng xung quanh.
  • Thức ăn: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, thành phần trong phân của trẻ sẽ thay đổi. Và những thay đổi trong chế độ ăn của bé cũng có thể làm tăng tần suất đại tiện của trẻ. Tất cả những điều này đều có thể dẫn đến hăm tã. Nếu trẻ bú sữa mẹ, trẻ có thể bị hăm tã do phản ứng với thức ăn mà người mẹ đã ăn.
  • Da nhạy cảm: Trẻ sơ sinh mắc các bệnh về da, chẳng hạn như viêm da dị ứng hoặc viêm da tiết bã có thể dễ bị hăm tã hơn. Tuy nhiên, vùng da bị kích ứng của viêm da dị ứng và chàm chủ yếu ảnh hưởng đến các vùng khác ngoài vùng quấn tã.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh:Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, kể cả vi khuẩn có lợi và có hại. Khi em bé uống thuốc kháng sinh, vi khuẩn có lợi ngăn không cho nấm Candida phát triển bị tiêu diệt, dẫn đến bé dễ bị nấm hơn. Sử dụng kháng sinh cũng làm tăng nguy cơ tiêu chảy, làm tăng yếu tố kích ứng da do phân và nước tiểu.

Khi nào ba mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ?

Nếu da của bé không cải thiện sau một vài ngày điều trị tại nhà, hãy cho con tới gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên, và hướng dẫn đúng đắn nhất.

Cho con đi khám NGAY nếu:

  • Vùng da bị hăm trở nên nặng hơn hoặc bất thường
  • Có chảy máu hoặc rỉ nước
  • Bé bị ngứa nhiều
  • Gây nóng rát hoặc đau khi bé đi tiểu hoặc đi đại tiện
  • Có kèm theo sốt

Phòng ngừa và điều trị không dùng thuốc

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hăm tã là giữ cho vùng quấn tã/ bỉm luôn sạch sẽ và khô ráo. Sau đây là các cách vô cùng đơn giản giúp ba mẹ phòng ngừa hăm tã cho bé:

  • Thay tã/ bỉm thường xuyên: Loại bỏ tã/ bỉm ướt hoặc bẩn ngay lập tức. Nếu bạn đang cho bé đi gửi trẻ, lưu ý nhắc nhở điều này với người trông trẻ.

Mẹ nên kiểm tra tã thường xuyên cho bé

  • Rửa sạch mông của bé bằng nước ấm mỗi lần thay tã/ bỉm. Bạn có thể dùng một chiếc chậu nhỏ, bồn rửa, hoặc thậm chí chỉ cần 1 chai nước cho mỗi lần thay rửa. Bạn có thể dùng khăn ẩm, bông hoặc khăn lau trẻ em để giúp làm sạch da nhưng phải tuyệt đối nhẹ nhàng. Không sử dụng khăn lau có cồn hoặc mùi thơm. Nếu bạn muốn sử dụng xà phòng, hãy chọn loại dịu nhẹ, không có mùi thơm, an toàn cho bé.
  • Nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn sạch hoặc để da bé tự khô rồi mới quấn tã/ bỉm. Đừng cọ rửa mông của bé, cọ xát có thể gây kích ứng da.

  • Đừng quấn tã/ bỉm quá chặt. Tã chặt ngăn không cho lưu thông không khí vào vùng quấn tã, tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho hăm tã. Tã quá chật cũng có thể khiến dùng da ở đùi, thắt lưng bé bị hằn đỏ. Nên cho bé dùng bỉm lớn hơn 1 size.
  • Hãy “thả rông”, cho bé một vài khoảng thời gian không mặc tã/ bỉm trong ngày. Khi có thể, ba mẹ hãy thực hiện điều này nhé. Để da bé tiếp xúc với không khí bằng việc đặt em bé của bạn trên một chiếc khăn lớn/ khăn chống thấm trong giờ chơi của bé.
  • Kem bảo vệ: Nếu em bé của bạn thường xuyên bị hăm, hãy bôi thuốc mỡ ngăn ngừa trong mỗi lần thay tã/ bỉm để ngăn ngừa kích ứng da. Dầu khoáng (petrolatum-vaseline) và oxit kẽm (zinc oxide) là những thành phần đã được thời gian chứng minh dự phòng và điều trị viêm da tã lót tốt nhất, do tạo nên một lớp màng bảo vệ, ngăn cản da tiếp xúc trực tiếp với các chất kích ứng. Kem được bôi mỗi khi thay tã lót với trẻ có nguy cơ và bôi bất kì lúc nào với trẻ đã mắc bệnh.
  • Trước và sau khi thay tã, ba mẹ nhớ rửa tay sạch sẽ. Rửa tay có thể ngăn lây lan vi khuẩn hoặc nấm men sang các bộ phận khác của cơ thể con bạn, cho bạn hoặc cho các em bé khác.
  • Các loại thuốc bột chống hăm KHÔNG được khuyến cáo sử dụng, ngoài ra còn có thể gây ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ do hít phải các hạt bột này.

Điều trị bằng thuốc:

Trong các trường hợp nặng, cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc mỡ bôi da để điều trị viêm da tã lót cho trẻ, tùy thuốc vào căn nguyên.

  • Thuốc kháng nấm bôi tại chỗ cho các trường hợp viêm da tã lót do nấm Candida, thuốc kháng sinh bôi tại chỗ trong trường hợp có viêm do nhiễm khuẩn.
  • Không sử dụng thuốc bôi có chứa corticoid trong trường hợp viêm da do tã.

Nên dùng tã vải hay bỉm?

Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết nên sử dụng loại tã/ bỉm nào cho trẻ. Thực ra, đối với việc ngăn ngừa hăm tã, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy tã vải tốt hơn bỉm hoặc ngược lại.

Vì không có loại tã nào tốt nhất, hãy sử dụng bất cứ loại tã nào phù hợp với kinh tế của gia đình bạn và con bạn. Nếu bỉm thuộc hãng này gây kích ứng da cho bé của bạn, hãy thử hãng bỉm khác. Nếu loại bột giặt/ nước giặt bạn sử dụng cho tã vải có vẻ gây hăm tã, hãy chuyển loại bột giặt/ nước giặt khác.

Cho dù bạn sử dụng tã vải, bỉm hay cả hai loại, HÃY LUÔN NHỚ THAY TÃ/ BỈM CHO BÉ ngay sau khi tắm, mỗi 3-4 tiếng/ lần và luôn có tã/ bỉm sạch để thay thế.

Một vài lưu ý về giặt tã vải

Nếu bố mẹ sử dụng tã vải cho bé, giặt cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa hăm tã. Có nhiều cách giặt khác nhau: giặt tay, giặt máy… nhưng ba mẹ đều phải lưu ý về việc làm sạch, khử trùng và loại bỏ cặn xà phòng. Đây là một phương pháp hiệu quả:

  • Ngâm trước tã vải bị bẩn trong nước lạnh.
  • Giặt tã trong nước nóng với chất tẩy rửa nhẹ (bột giặt, nước giặt, dung dịch tẩy rửa diệt vi trùng dành cho trẻ em…). Bạn cũng có thể thêm giấm vào trong quá trình giặt để khử mùi hôi và rửa sạch cặn xà phòng.
  • Xả hai lần tã trong nước lạnh để loại bỏ dấu vết của hóa chất và xà phòng.

Không nên dùng nước xả vải vì chúng có thể chứa mùi thơm có thể gây kích ứng da của bé.

Nằm trong top đầu của các bệnh viện có chuyên khoa Nhi tốt nhất Hải Phòng, Bệnh viện Quốc tế Green khám và điều trị nội trú Nhi 24/24h. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiện bất thường, bố mẹ hãy đưa trẻ đến Bệnh viện để được chăm sóc kịp thời. Đặc biệt, #BvGreen đã thông tuyến BHYT, vì vậy tất cả các bé đều được hưởng chế độ bảo hiểm đúng tuyến khi thăm khám và điều trị tại Bệnh viện. 

Để đặt lịch khám cho con, Bố Mẹ có vui lòng liên hệ Hotline02253786555.

(Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths. Bs Nội trú Đoàn Thị Thùy Dương – Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Quốc tế Green)

Gửi bình luận

Bình luận

Comments are closed.