Tổ chức hội thảo tiền sản ngày 8/10/2017
21/09/2017Tuyển dụng Bác sỹ CK Nhi & CK Sản
07/10/2017Chẩn đoán và điều trị thành công một trường hợp bệnh viêm khớp hệ thống tự phát tuổi thanh thiếu niên
Vừa qua, khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Green tiếp nhận trường hợp bé gái 13 tuổi, nhập viện vì sốt cao, mệt mỏi ngày thứ 7 của bệnh, gia đình đã điều trị bằng kháng sinh uống liều cao nhưng không đỡ.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, nổi ban hồng trên da tay và chân, đau nhức khớp cổ tay, cổ chân, khuỷ tay và các khớp bàn ngón. Đau khớp khiến trẻ đi lại khó khăn đặc biệt vào buổi sáng.
Qua khám lâm sàng ban đầu không phát hiện được ổ nhiễm khuẩn cụ thể. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy:
- Bạch cầu tăng cao (18,16 G/L).
- Bạch cầu hạt trung tính tăng cao (83%)
- CRP tăng cao (68mg/L).
- Tốc độ máu lắng tăng (58 mm trong giờ đầu, 65 mm giờ thứ 2).
- ASLO 80 IU/ml. – Ferritin 150 ng/ml.
- Chức năng gan thận bình thường.
- Test cúm A, B âm tính.
- Test sốt xuất huyết âm tính.
Bệnh nhân được chẩn đoán trạng thái nhiễm khuẩn và được điều trị kết hợp kháng sinh tiêm. Sau 6 ngày điều trị trẻ vẫn sốt hàng ngày, phát ban khi sốt, đau khớp khiến đi lại khó khăn vào buổi sáng. Tiếp tục làm xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu, CRP, tốc độ máu lắng vẫn tăng, RF âm tính, kháng thể kháng nhân âm tính, tế bào Hargraves âm tính.
Từ diễn biến lâm sàng, xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp hệ thống tự phát tuổi thanh thiếu niên. Kháng sinh được cắt bỏ và bệnh nhân được điều trị theo phác đồ.
Sau 1 tuần điều trị trẻ hết sốt, hết đau khớp, hết nổi ban, ăn uống đi lại được, các xét nghiệm về bình thường. Sau khi ra viện, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi điều trị trong 3 tuần, trước khi được kết luận khỏi bệnh.
Một số điều bố mẹ cần biết về bệnh viêm khớp hệ thống tự phát:
- Bệnh viêm khớp hệ thống tự phát tuổi thanh thiếu niên là một bệnh hiếm gặp (chỉ 1-20 bệnh nhân /100 000 người). Bệnh được phát hiện đầu tiên vào năm 1890 do bác sĩ người Anh tên là George Frerick Still, nên bệnh còn có tên khác là Still.
- Đây là bệnh có bản chất tự miễn dịch với các triệu chứng bao gồm đau khớp kèm theo các biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mỏi, phát ban, có thể có gan, lách , hạch to.
- Chẩn đoán đúng bệnh luôn là một thách thức đối với bác sĩ Nhi khoa. Bệnh không có xét nghiệm đặc hiệu và các biểu hiện lâm sàng như sốt, phát ban thường dễ bị nhầm với bệnh cảnh nhiễm khuẩn ở trẻ em. Một số trường hợp bệnh có biểu hiện đau khớp muộn khiến cho việc chẩn đoán càng khó khăn.
- Ngoài ra, chúng ta cần phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh huyết thanh (Serum sickness), bệnh ác tính vì một số ung thư cũng có bạch cầu tăng và các tế bào máu khác giảm.
TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN sJIA:
– Đau khớp kèm với sốt từ 2 tuần hoặc đau khớp kèm theo 1 trong các dấu hiệu sau:
- Phát ban đỏ trên da
- Gan, lách, hạch to
- Viêm thanh mạc TIÊU CHUẨN LOẠI TRỪ
– Bệnh vảy nến – Viêm khớp ở trẻ nam trên 6 tuổi có hệ kháng nguyên bạch cầu HLA B27 dương tính
– Viêm khớp cột sống – Bệnh thấp khớp có RF dương tính
Vì vậy, nếu các phụ huynh thấy con mình có biểu hiện bất thường như trên, nên đưa con tới khám ở Bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống xét nghiệm hiện đại nhằm chẩn đoán chính xác bệnh, có phác độ điều trị đúng cho bé.
Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Green thành lập tới nay đã được gần 3 năm, tiếp nhận điều trị nội – ngoại trú – daycare cho hàng ngàn trẻ với đủ độ tuổi từ sơ sinh đến thanh – thiếu niên. Đội ngũ các bác sĩ Giáo sư, Tiến sĩ, BSCKII Hà Nội, Hải Phòng dày dạn kinh nghiệm, là thành viên của các tổ chức Y khoa thế giới với chất lượng dịch vụ hàng đầu, mang đến cho các bậc phụ huynh giải pháp chăm sóc trẻ tốt nhất.
Theo TS.BS. VŨ VĂN QUANG – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Green