Bất dung nạp lactose là gì?
24/07/2021XEM NGAY: Sự thật nắn mũi cho trẻ sẽ giúp mũi tẹt thành cao?
25/07/2021Thừa ngón là tình trạng một bàn tay, bàn chân có hơn 5 ngón do bẩm sinh. Điều này có thể chỉ xảy ra ở một bàn tay, bàn chân, nhưng cũng có thể ngón thừa có ở cả hai bàn tay, bàn chân và thậm chí là cùng trên một cơ thể có thừa ngón ở cả 2 bàn tay và 2 bàn chân.
1. Thừa ngón có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ?
Theo y văn, tần suất gặp tật thừa ngón là khoảng 1/ 1000 trẻ sơ sinh, nam giới bị nhiều hơn nữ. Nguyên nhân của bệnh có thể do đột biến của từng cá thể hoặc di truyền.
Mặc dù dị tật thừa ngón không đe dọa tình trạng sức khỏe chung của người mang dị tật nhưng lại đưa đến những hậu quả không nhỏ về thẩm mỹ, tâm lý của bản thân người bệnh và gia đình, nhiều khi làm mất đi một phần chức năng của chi thể, đặc biệt là với bàn tay có thừa ngón cái.
Thừa ngón có thể xảy ra ở bàn tay hoặc bàn chân, tuy nhiên đối với thừa ngón chân thường chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày và không ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ, chức năng của chi thể, theo đó việc điều trị bàn chân mang dị tật thường không phức tạp, trừ một số ít trường hợp có thừa ngón chân cái và thừa xương bàn chân . Riêng đối với bàn tay, do có cấu trúc giải phẫu phức tạp, nhờ đó mà con người có thể thực hiện được những động tác khéo léo, tinh vi trong các hoạt động: sinh hoạt, học tập và lao động nên việc điều trị luôn đòi hỏi cao cả về khía cạnh chức năng và thẩm mỹ của bàn tay mang dị tật.
2. Các loại dị tật thừa ngón
Xuất phát từ thực tế đa dạng với mức độ phức tạp khác nhau của các dị tật thừa ngón tay cùng với những tác động không tốt của bệnh đối với chức năng bàn tay đó mà y học hiện nay đã có nhiều cách phân chia những dị tật này thành nhiều nhóm và với mỗi nhóm lại có những kỹ thuật điều trị cụ thể. Ví dụ riêng với thừa ngón tay cái( ngón I) nếu theo tác giả Wassel đã có tới 7 loại, được chia theo mức độ từ nhẹ đến nặng.
Điều trị dị tật thừa ngón tay, ngón chân chủ yếu là bằng phẫu thuật, nhằm loại bỏ phần thừa, tận dụng tối đa tổ chức còn lại tạo hình lại ngón hoặc bàn tay, bàn chân đã từng mang ngón thừa trong cùng một lần mổ.
Để đạt được kết quả tốt nhất cả về chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân sau điều trị, người phẫu thuật viên cần nắm chắc cả về giải phẫu, sinh lý, chức năng bình thường cũng như những biến đổi về xương, gân, cơ, mạch máu của bàn tay, bàn chân có thừa ngón. Trên cơ sở đó lập kế hoạch điều trị cụ thể cho từng loại biến dạng giải phẫu đã và sẽ gây bất lợi cho chức năng, thẩm mỹ của bàn tay, bàn chân đó.
3. Thời điểm điều trị ( phẫu thuật ở độ tuổi nào ?).
Trước đây, do y học còn có những hạn chế về trang thiết bị, kỹ thuật phẫu thuật, gây mê hồi sức cùng khả năng đảm bảo sự an toàn trong quá trình mổ và hậu phẫu cho trẻ em nhỏ, cho nên đa số các tác giả đều khuyên nên loại bỏ ngón thừa cho trẻ trước tuổi đi học. Điều đó thường gây cho trẻ tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống trẻ thơ, không có nhiều bạn bè và nhiều khi còn bị các trẻ khác gây khó chịu do những bất thường đó. Nhưng hiện nay y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật và trang thiết bị phẫu thuật chuyên dụng, cộng với áp lực về khía cạnh thẩm mỹ , xã hội về vấn đề này ngày càng cao, cho nên độ tuổi áp dụng điều trị cho những dị tật thừa ngón đã được đẩy lên sớm hơn rất nhiều, thậm chí là rất sớm sau khi trẻ được sinh ra. Điều này nhằm giải quyết cả về tâm lý của gia đình cũng như tạo thẩm mỹ, giúp cho bàn tay, bàn chân đã được điều trị thực hiện chức năng đối với cơ thể tốt hơn, khi mà mọi động tác đều đòi hỏi phải được rèn luyện ngay từ những tháng, năm đầu đời.
Tuy mục đích điều trị là loại bỏ phần thừa khỏi bàn tay, bàn chân mang ngón thừa , nhưng thực tế lại có hai loại ngón thừa cơ bản: hoặc phần thừa tại chỗ nối với bàn tay, bàn chân bằng tổ chức là phần mềm đơn thuần, không có chung mạch nuôi( là một cuống mềm dính với phần còn lại) thì việc cắt bỏ ngón thừa trở nên đơn giản và nên thực hiện rất sớm. Ngược lại, với ngón thừa có cả xương, khớp hoặc có chung mạch nuôi với tới bàn tay, bàn chân sẽ đòi hỏi một kế hoạch điều trị chi tiết cả về thời điểm cũng như kỹ thật phẫu thuật, nhưng với nguyên tắc là sớm nhất có thể, nhằm tránh tối đa những tác động xấu của ngón thừa đối với chức năng bàn tay, bàn chân mang dị tật.
4. Hiệu quả điều trị
Bệnh viện Quốc tế Green trong những năm gần đây đã điều trị thành công nhiều trường hợp trẻ em có dị tật thừa ngón, trả lại thẩm mỹ, chức năng đầy đủ cho nhiều bàn tay, bàn chân, mang lại niềm vui trọn vẹn cho nhiều gia đình có trẻ không may mang bệnh.
Đáp ứng mong muốn của gia đình bệnh nhi, bệnh viện đã tiến hành cắt bỏ rất sớm nhiều ngón thừa có dính với bàn tay, bàn chân bằng một cuống nhỏ mà tại đó không có xương, khớp để trẻ sớm có một cơ thể hoàn chỉnh, loại bỏ được tâm lý nặng nề của gia đình về sự bất thường này. Đối với những dị tật thừa ngón phức tạp hơn thì trẻ thường được điều trị khi có độ tuổi từ ba tháng tuổi trở lên.
Kết quả điều trị được đánh giá ngay sau khi phẫu thuật và qua những lần tái khám định kỳ, và đều cho kết quả rất tốt cả về chức năng và thẩm mỹ. Đáng tiếc là chúng tôi đã gặp một số trường hợp gia đình đưa bệnh nhi tới điều trị khi trẻ đã lớn, thậm chí là ở độ tuổi 10 đến 12, khi mà ngón thừa đã ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng của bàn tay mang dị tật. Lý do đi điều trị muộn, có thể là thương, sợ trẻ đau, thậm chí là sợ thay đổi tướng số của trẻ, theo chúng tôi đây là những quan niệm sai lầm cần thay đổi.
Bài này được viết chỉ với mục đích phần nào chia sẻ, thông tin tới nhưng độc giả quan tâm cũng như tới những gia đình có trẻ không may mang dị tật thừa ngón, có thể tham khảo, lựa chọn thời điểm, địa chỉ cơ sở y tế có khả năng điều trị tốt dạng bệnh này.
Mọi nhu cầu về khám, tư vấn điều trị, trao đổi kinh nghiệm thuộc chủ đề này của quý vị sẽ được giải đáp, thông tin đầy đủ qua trang Facebook: https://www.facebook.com/benhviengreen, số điện thoại của Bệnh viện: 02253 786 555……hoặc liên hệ với thầy thuốc trực tiếp phẫu thuật: Bác sỹ Nguyễn Hồng Hải, Trưởng khoa Ngoại – Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Quốc tế Green (0912 310 126).
Sau đây là một số hình ảnh thực tế trước và sau điều trị của một số trong nhiều bệnh nhân có thừa ngón đã điều trị tại khoa Ngoại – Phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện Quốc tế Green:
Trước khi phẫu thuật cắt ngón thừa
Sau khi phẫu thuật 1 tháng