Đăng kí khám chuyên khoa giá chỉ 0 đồng
13/07/2021
Bất dung nạp lactose là gì?
24/07/2021
Đăng kí khám chuyên khoa giá chỉ 0 đồng
13/07/2021
Bất dung nạp lactose là gì?
24/07/2021
Hiện tất cả

Giải đáp thắc mắc về chăm sóc răng miệng cho mẹ và bé

Bài viết được tổng hợp từ tài liệu của Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ dành cho mẹ bầu và mẹ mới sinh con về sức khỏe răng miệng. Bố mẹ nên tìm hiểu để có kiến thức chăm sóc răng miệng của trẻ tốt hơn nhé.

Hỏi: Đi khám răng khi mang thai thì có an toàn không?

Đáp: Có! Trên thực tế thì điều này được khuyến cáo. Ốm nghén và thay đổi hóc môn khi mang thai có thể làm mẹ dễ bị bệnh nướu và sâu răng hơn, và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe em bé. Nha sĩ sẽ chữa trị cho mẹ hoặc giúp mẹ phòng tránh các vấn đề về răng lợi: sâu răng, viêm lợi…

Hỏi: Thời điểm thích hợp đi khám răng khi mang thai? 

Đáp: Mẹ nên đi khám nha khoa trước khi sinh con. Nếu mẹ đi kiểm tra răng miệng cách đây hơn 6 hoặc đang gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe răng  miệng nào, nên đi khám càng sớm càng tốt.

Hỏi: Nên cung cấp những thông tin gì cho nha sĩ?

Đáp: Cho nha sĩ biết tình trạng thai kỳ và ngày dự sinh. Ngoài ra, phải cho nha sĩ biết bất cứ loại thuốc nào mẹ đang uống, tình trạng sức khỏe, dùng thuốc lá hay ma túy dưới bất cứ hình thức nào, hoặc nếu thai kỳ của mẹ có nguy cơ cao.

Hỏi: Chữa trị nha khoa khi mang thai có an toàn không? 

Đáp: Có. Chụp Xquang, gây tê tại chỗ và hầu hết các loại thuốc giảm đau đều an toàn miễn là nha sĩ biết mẹ đang mang thai.

Hỏi: Cách phòng ngừa các vấn đề sức khỏe răng miệng khi mang thai? 

Đáp: Nhớ đánh răng hai lần một ngày bằng kem đánh răng có fluoride, làm sạch các kẽ răng và hạn chế thực phẩm có đường. Nếu bị ốm nghén không thể đánh răng, mẹ nên súc miệng bằng một muỗng cà phê bột baking soda hòa trong một cốc nước. Ngoài ra, mẹ nên đi khám nha sĩ định kỳ.

Hỏi: Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng của mẹ và em bé?

Đáp: Người mẹ và em bé chia sẻ tất cả mọi thứ – gồm cả vi khuẩn. Nếu bị sâu răng nghĩa là mẹ có vi khuẩn gây sâu răng trong miệng. Vi khuẩn này có thể truyền từ miệng mẹ sang miệng của em bé và làm tăng nguy cơ sâu răng cho con. Vì vậy mẹ nên khám răng và có sức khỏe răng miệng tốt trước sinh.

Hỏi: Cách chăm sóc răng miệng trước khi bé mọc răng?

Đáp: Dù trẻ bú mẹ hay bú bình, hãy vệ sinh sạch nướu cho bé sau mỗi lần bú và trước khi đi ngủ. Chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng của chính mẹ và tránh dùng miệng làm sạch núm vú giả của con.

Hỏi: Nên chăm sóc như nào khi em bé bắt đầu mọc răng? 

Đáp: Mẹ có thể làm dịu cảm giác khó chịu khi con mọc răng bằng cách chà xát nướu bằng ngón tay sạch hoặc cho bé gặm khăn sạch, ẩm. Mẹ cũng có thể dùng các sản phẩm vòng ngậm an toàn cho bé khi mọc răng nhưng phải có sự tư vấn của bác sĩ. Mọc răng thường không làm bé sốt, phát ban hay tiêu chảy.  Nếu em bé bị những triệu chứng này nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa.

Hỏi: Bé có thói quen ngủ khi bú bình? 

Đáp: Trẻ sơ sinh có thể ngủ với bình sữa trong miệng khi đang ăn. Nếu vậy, hãy vệ sinh nướu của bé bằng một miếng vải mềm và sạch. Điều này giúp làm sạch đường và vi khuẩn, do chúng có thể gây sâu răng nếu kết hợp với nhau. Tránh đặt bé nằm xuống khi vẫn còn bình sữa trong miệng.

Hỏi: Thời điểm bắt đầu tập đánh răng cho bé?

Đáp: Bắt đầu đánh răng ngay sau khi mọc chiếc răng đầu tiên. Nhớ đánh răng hai lần một ngày với một ít kem đánh răng dành cho trẻ em (bằng một hạt gạo).

Hỏi: Khi nào nên đưa bé đi kiểm tra răng miệng lần đầu tiên?

Đáp: Em bé nên được khám nha sĩ sau khi mọc chiếc răng đầu tiên và không nên để bé quá 1 tuổi.

Hỏi: Răng sữa có quan trọng không?

Đáp: Có, điều quan trọng là phải giữ cho răng sữa không bị sâu mặc dù sau này chúng sẽ rụng. Răng sữa giúp trẻ ăn thực phẩm lành mạnh, phát triển khả năng nói và giữ chỗ cho răng trưởng thành. Vi khuẩn làm sâu răng sữa ở trong miệng và có thể làm sâu răng vĩnh viễn.

Gửi bình luận

Bình luận

Comments are closed.