Sa dây rốn – cấp cứu trong sản khoa
08/03/2022Cách tính ngày dự sinh
10/03/2022Ngày dự sinh tương ứng với thai được 40 tuần tròn. Tuy nhiên chỉ có 4% số sản phụ sinh đúng chính xác vào ngày dự kiến, còn lại hầu hết sinh trước hoặc sau ngày dự sinh 1-2 tuần.
Thai quá ngày dự sinh là thai từ 41 tuần đến 41 tuần 06 ngày và thai già tháng là thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần tính từ ngày đầu tiên của kì kinh cuối. Thai quá ngày sinh chiếm khoảng 5-10% số phụ nữ mang thai và có liên quan đến các biến chứng cho thai, trẻ sơ sinh và mẹ.
Nguyên nhân thai quá ngày sinh
Do tính tuổi thai không chính xác: đây là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp thai quá ngày sinh . (Link bài: ngày dự sinh).
- Do tuổi thai của bé được tính theo ngày đầu kì kinh cuối nhưng nhiều trường hợp bà mẹ nhớ không chính xác ngày kinh hoặc kinh nguyệt không đều dẫn đến cung cấp cho bác sĩ thông tin không chính xác khi tính tuổi thai.
- Do tính tuổi thai dựa vào siêu âm khi thai đã lớn nên có sự sai lệch nhiều so với siêu âm 4 tháng đầu.
Ngoài 2 nguyên nhân tính nhầm tuổi thai trên, một số nguyên nhân thực sự khác có thể gây thai quá ngày sinh như thiếu hụt một số hormone của mẹ hoặc của thai, sử dụng thuốc dưỡng thai kéo dài (Progesteron)…
Nguy cơ của thai quá ngày sinh.
Bánh rau và nước ối đóng một vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển và chuyển hóa sinh học của thai nhi. Trong thai già tháng, lượng nước ối giảm dần, bánh rau thoái hóa dần dẫn đến giảm dòng máu ở bánh rau và các chất dinh dưỡng đến thai.
Khi được chẩn đoán là thai quá ngày mà không được xử trí thích hợp, sẽ có hai khả năng xảy ra:
– Nếu bánh nhau vẫn hoạt động tốt, thai nhi tiếp tục phát triển lớn thêm, khi sanh có thể đẻ khó do con to (kẹt vai, sang chấn nhiều cho cả mẹ lẫn con hoặc không sanh được, phải mổ lấy thai…). Thêm vào đó lượng nước ối có thể cạn dần, khi sanh em bé dễ bị suy do cơn gò tử cung làm chèn ép dây rốn.
– Ngược lại nếu bánh nhau bị thoái hoá, thai nhi sẽ không được nuôi dưỡng tốt, có thể tử vong trong bụng mẹ hoặc trong khi sanh, hoặc em bé bị suy dinh dưỡng, da dẻ nhăn nheo và sức đề kháng kém.
Làm gì khi thai 40 tuần vẫn chưa sinh
- Với thai từ 40 tuần đến 40 tuần 06 ngày:
Bạn hãy đến bệnh viện khám. Tại đây bác sĩ sẽ siêu âm kiểm tra tình trạng toàn thân của bạn, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm cân nặng của bé, lượng nước ối, tuần hoàn thai nhi, ngoài ra bạn cũng sẽ được ghi biểu đồ tim thai.
- Nếu các kết quả bình thường bạn sẽ được tư vấn cách đếm cử động thai và được về nhà tự theo dõi tại nhà nếu nhà bạn ở gần bệnh viện, bạn phải đến khám lại sau 3 ngày hoặc nếu 40 tuần 06 ngày vẫn chưa chuyển dạ .
- Trong trường hợp có dấu hiệu thai to, ối giảm, tuần hoàn thai nhi bất thường… hoặc nhà ở xa, bác sĩ sẽ cho bạn nhập viện để theo dõi hàng ngày. Sau khi nhập viện bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng cổ tử cung của bạn, tim thai, cân nặng của thai, nước ối…để quyết định sẽ chờ thêm đến 40 tuần 06 ngày để bạn chuyển dạ tự nhiên hay phải đặt thuốc gây chuyển dạ cho bạn hoặc phải mổ lấy thai ngay.
- Với thai từ 41 tuần trở lên:
- Bạn cần phải nhập viện, tại đây bạn sẽ được kích thích tạo cơn co tử cung giống như trong chuyển dạ, nếu tim thai không có biến đổi xấu, bạn sẽ được gây chuyển dạ bằng thuốc và có thể sinh thường.
- Nếu bác sĩ thấy tình trạng của bạn hoặc của thai thai không chịu đựng được cuộc chuyển dạ sinh thường, bạn sẽ được chỉ định mổ lấy thai để giữ an toàn cho cả mẹ lẫn bé.
Tóm lại, thai 40 tuần chưa chuyển dạ chưa hẳn là thai đã già tháng, bạn và gia đình đừng lo lắng thái quá, vội vã yêu cầu mổ lấy thai. Điều quan trọng là bạn cần hết sức bình tĩnh, nghe theo hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ để chuyện sinh nở diễn ra suôn sẻ.